Quan điểm “Less is More” của Mies van der Rohe – Người tiên phong của Phong trào hiện đại
Ludwig Mies van der Rohe (27/3/1886 – 17/8/1969) là một trong những bậc thầy của kiến trúc hiện đại và là người tiên phong của phong cách Tối giản với quan niệm “Less is More” ( ít chính là nhiều).
Mies van der Rohe là một trong những KTS có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20, một trong những người sáng lập xu hướng kiến trúc hiện đại. Sinh ra ở Aachen, Đức, sự nghiệp của Mies ảnh hưởng rất lớn từ Peter Behrens, nơi Mies làm việc cùng hai bậc thầy khác trong chủ nghĩa hiện đại là Walter Gropius và Le Corbusier. Trong gần một thập kỷ, phong cách tối giản của Mies ngày càng trở nên phổ biến và góp phần ảnh hưởng đến các lối kiến trúc khác. Một trong những phương châm nổi tiếng của ông chính là “Less is More”, không chỉ được ứng dụng trong kiến trúc mà còn ở tất cả mọi mặt cuộc sống.
KTS người Đức bắt đầu phát triển phong cách Tối giản từ những năm 1920, kết hợp mối quan tâm về công nghiệp theo chủ nghĩa chức năng và xu hướng thẩm mỹ hướng đến các mặt phẳng giao nhau tối thiểu – bác bỏ hệ thống truyền thống. Những quan điểm mới của ông về tổ chức không gian kiến trúc cùng kết cấu mới, vật liệu mới là thép và kính nhằm xóa nhòa ranh giới giữa nội thất và ngoại thất rất được chú ý.
Ông đã tạo ra bước ngoặt trong sự nghiệp của mình với nhà kính chọc trời ở Berlin Friedrichstraße năm 1921. Công trình có mặt bằng không theo quy chuẩn nào, loại bỏ đi những chi tiết trang trí, kết cấu thép bọc kính giúp ánh sáng chan hòa với nội thất. 8 năm sau, năm 1929, ông cho ra đời công trình nổi tiếng nhất của mình, có thể coi như đỉnh cao của kiến trúc Đức khi đó – Gian trưng bày của Đức tại triển lãm Tây Ban Nha.
Năm 1930, Mies đảm nhiệm vai trò hiệu trưởng đời thứ 3 của trường Bauhaus – ngôi trường được được sáng lập bởi Walter Gropius nhưng đã phải đóng cửa 3 năm sau đó do áp lực của Đức Quốc xã.
Sau khi Bauhaus đóng cửa và những áp lực đến từ chế độ Phát xít, Mies nhận thấy công việc ở quê nhà ngày càng khó khăn. Cuối cùng, ông quyết định di cư đến Hoa Kỳ vào năm 1937 và trở thành người đứng đầu Khoa Kiến trúc, Viện Công nghệ Illinois. Trong suốt 20 năm làm việc tại IIT, Mies đã phát triển phong cách gọi là “trường phái kiến trúc thứ hai của Chicago”, thể hiện qua những công trình cao tầng đơn giản, như 860-880 Lake Shore Drive và Tòa nhà Seagram. Cùng với kiểu nhà chọc trời mới này, ông cũng tiếp tục phát triển kiểu dáng gian hàng thấp, thử nghiệm lần đầu tiên trong các dự án như Barcelona Pavilion được hoàn thành vào năm 1951. Ông cũng không ngần ngại kết hợp 2 kiểu này trong kết cấu như cách ông đã làm trong khu phức hợp 3 tòa nhà ở Trung tâm Liên bang Chicago.
Dưới đây là một số dự án biểu tượng của Mies Van der Rohe:
1. Barcelona Pavillion (1929)
Đây là tòa nhà quan trọng trong lịch sử kiến trúc hiện đại, thể hiện sự đơn giản, không rườm rà, kết hợp sử dụng những vật liệu xa hoa như đá cẩm thạch, mã não đỏ hay travertine. Tuy nhiên gian hàng này trống không, không có đồ trưng bày, chỉ có không gian với một tác phẩm điêu khắc duy nhất và ghế Barcelona đặc biệt. Mies muốn thiết kế này trở thành “khu vực yên tĩnh lý tưởng”, chính tòa nhà là một triển lãm thay vì nơi để trưng bày các triển lãm.
2. Farnsworth House (1951)
Nằm ngay bên ngoài khu rừng vắng vẻ rộng rãi ven sông Fox, ngôi nhà bằng kính này tận dụng tối đa lợi thế từ môi trường xung quanh, hòa hợp với thiên nhiên. Ngôi nhà bao gồm tám cột thép hình chữ I hỗ trợ khung mái và sàn. Ở giữa các cột là cửa sổ kính trong suốt từ trần đến sàn nhà, mở rộng không gian với khu rừng bên ngoài. “Thiên nhiên cũng sẽ sống một cuộc đời của chính nó. Chúng ta phải cẩn thận để không làm phá vỡ chúng với màu sắc và đồ đạc nội thất trong ngôi nhà. Chúng ta cố gắng gần gũi với thiên nhiên để những ngôi nhà và loài người trở thành một thể thống nhất cao hơn”.
3. Seagram Building (1958)
Nằm ở trung tâm thành phố New York, tòa nhà Seagram là hình ảnh thu nhỏ của sự sang trọng và các nguyên tắc của chủ nghĩa hiện đại. Tòa nhà 38 tầng trên Đại lộ Park là nỗ lực đầu tiên của Mies trong việc xây dựng các tòa nhà văn phòng cao. Seagram thiết kế thành một khối liên tục, hoành tráng bằng đồng và lớp kính đen bao quanh tiếp giáp với bề mặt đá granite lớn ở quảng trường bên dưới. Các không gian văn phòng trên tiền sảnh được trang bị nội thất có sơ đồ sàn linh hoạt, được chiếu sáng bằng các tấm trần xuyên thấu và nhận được ánh sáng tự nhiên tối đa với mặt ngoài là những ô cửa kính chống nắng và cách nhiệt. Tòa nhà Seagram đã trở thành nguyên mẫu cho các tòa nhà văn phòng trong tương lai do Mies thiết kế.
4. Lafayette Park (1959)
Lafayette Park là nỗ lực hợp tác của Mies van der Rohe cùng nhà thiết kế cảnh quan Alfred Caldwell và nhà quy hoạch Ludwig Hilberseimer, Herb Greenwald, nhà phát triển đã làm việc với Mies trước đây về các căn hộ tại 860-880 Lake Shore Drive. Kiến trúc được thiết kế theo phong cách Miesian với các yếu tố cấu trúc rõ rệt bằng các tấm kính, nhưng nét khắc khổ đặc trưng được tôi luyện bởi cấu trúc của các tòa nhà và cảnh quan xung quanh.
5. Neue National Gallery (1968)
Tòa nhà xây dựng năm 1968 này đã có bước đột phá ý tưởng, từ bảo tàng truyền thống với các phòng triển lãm trở thành một không gian linh hoạt. Với chiều dài 64,8m, hai cột thép mỗi bên nhằm giải phóng các góc, tạo cho tòa nhà dáng vẻ nhẹ nhàng.
6. IBM Building (330 North Wabash) (1973)
Nhôm anod đen và kính màu xám được sử dụng cùng nhau để tạo ra vẻ ngoài đồng nhất, mang đến một khối ấn tượng và duy nhất. Sự rõ ràng về hình thức của nó được đánh giá dựa theo đường chân trời của Chicago, một sự tôn vinh cho nghiên cứu suốt đời về biểu hiện cấu trúc, quy mô tổ chức, tính đơn giản của vật liệu, tỷ lệ và chi tiết xây dựng của Mies van der Rohe. Tòa nhà này cũng được hoàn thiện 4 năm sau khi KTS người Đức qua đời.
7. Chicago Federal Center (Kluczynski Federal Building) (1974)
Toàn bộ khu phức hợp được hoàn thành vào năm 1974, 5 năm sau sự qua đời của Mies. Công trình thống nhất hai chủ đề mà ông đã lặp đi lặp lại trong suốt sự nghiệp của mình: hai khối nhà cao tầng tạo nên những ý tưởng được đề xuất như trong Tòa nhà Seagram của ông ở New York; không gian rộng, thoáng của tòa nhà Bưu điện, giống với các công trình thấp tầng khác như SR Crown Hall gần đó.
Trong cuốn ‘Chicago: In and Around the Loop, Walking Tours of Architecture and History’, Gerard Wolfe gọi Trung tâm Liên bang này là “minh chứng cuối cùng của trường phái kiến trúc Chicago thứ hai”. Đây là phong cách mà Mies đã cố gắng tôn vinh trong suốt hai mươi năm với tư cách là người đứng đầu trường kiến trúc IIT, sử dụng hình học thẳng đứng, chi tiết tối giản và tầng trệt có chiều cao gấp đôi để cố gắng giảm các rào cản giữa khu vực bên trong và bên ngoài.